Cụm phà Vàm Cống cho biết, qua công tác theo dõi khu vực bến phà kênh Tắt, ghi nhận bồi lắng phù sa diễn ra nghiêm trọng. Khi mực nước thủy triều xuống thấp nhất trong ngày, tình hình đảm bảo giao thông gặp một số khó khăn.

Cụ thể, tại khu vực ponton (ụ nổi, phao nổi), phao phụ khi triều xuống bị kê cạn, nằm hoàn toàn trên mặt đất, gây nguy hiểm cho hệ nổi, nhất là có khả năng gây không ổn định, biến dạng và giảm khả năng chịu lực của cầu dẫn.

Khi phà cập ponton, mỏ bàn phà bị vênh, không khít với bến ghé gây khó khăn cho phương tiện lên xuống phà, đặc biệt với ô tô gầm thấp thường xuyên bị va quẹt gây hư hỏng, tranh cãi, thậm chí xô xát giữa lái/chủ xe và nhân viên phà.

Phà qua kênh Tắt. Ảnh: CK

Khu Quản lý đường bộ IV đã có kế hoạch nạo vét lòng kênh để đảm bảo giao thông khu vực này trong năm 2024, đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công.

Cụm phà Vàm Cống cho biết, để đảm bảo an toàn cho hệ nổi và an toàn giao thông của hành khách, khi thủy triều xuống thấp thì tạm thời hạn chế xe tải từ 7 tấn trở lên và xe khách từ 29 chỗ trở lên qua phà Kênh Tắt.

Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân và các chủ phương tiện chủ động theo dõi mực nước thủy triều tại khu vực bến phà kênh Tắt để sắp xếp và bố trí việc đi lại cho thuận tiện.

Bến phà kênh Tắt. Ảnh: CK

Kênh Tắt là đoạn kênh đào để nối thông luồng từ sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố ra biển. Kênh Tắt chạy cắt ngang quốc lộ 53, tuyến đường huyết mạch đi qua nhiều địa phương của tỉnh Trà Vinh. Với việc đào kênh Tắt, 4 xã của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh trở thành “xã đảo”.

Dự án đào kênh Tắt và cải tạo kênh Quan Chánh Bố được thực hiện sau nhiều năm khảo sát nhằm mở đường cho hàng hóa ở cảng Cần Thơ thông ra biển do cửa sông Định An dẫn vào sông Hậu bị bồi lắng. Năm 2016, dự án thông luồng với kỳ vọng tàu biển tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải có thể ra vào sông Hậu theo kênh Tắt, qua kênh Quan Chánh Bố, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản miền Tây.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến đường thủy quan trọng này vẫn ít có tàu lớn. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Tây vẫn phải qua các cảng ở Đông Nam Bộ. Luồng Quan Chánh Bố được kỳ vọng rất lớn, nhưng sau đầu tư đến nay theo đánh giá, tình trạng bồi lắng hai đầu kênh Quan Chánh Bố thậm chí còn nhanh hơn cửa Định An.

Cảnh Kỳ